Các căn hộ Mường Thanh bán cho cư dân đều khó có thể được cấp sổ đỏ
Dự án VP6 Linh Đàm tăng chiều cao từ 25 lên 37 tầng, xây tăng số lượng căn hộ từ 138 lên 840 căn, vượt 702 căn …
Dự án VP6 Linh Đàm tăng chiều cao từ 25 lên 37 tầng, xây tăng số lượng căn hộ từ 138 lên 840 căn, vượt 702 căn.
Theo kết luận thanh tra số 2344 của Thanh tra Thành phố Hà Nội, các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh) đều chưa đủ cơ sở pháp lý nên người mua nhà khó có thể được cấp sổ đỏ.
Như VnEconomy đã đưa tin, ngày 10/7, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh.
Theo quyết định phê chuẩn khởi tố bị can, ông Lê Thanh Thản bị khởi tố về tội “lừa dối khách hàng” theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015, xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (CT6), phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Vậy, Mường Thanh đã có hành vi lừa dối khách hàng như thế nào?
Vào tháng 8/2016, Thanh tra Thành phố Hà Nội đã công bố kết luận thanh tra toàn diện việc đầu tư, quản lý, sử dụng đất đai tại các dự án nhà ở do doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư trên địa bàn Hà Nội và phát hiện rất nhiều sai phạm.
Mường Thanh đầu tư 12 dự án ở Hà Nội, nhưng 3 dự án (gồm khu đô thị Xa La; dự án CT11, CT12 khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ, Quận Hoàng Mai, dự án Đại Thanh, Huuyện Thanh Trì) đã được Thanh tra Chính phủ thanh tra, nên Thanh tra Hà Nội chỉ thanh tra với 9 dự án còn lại, gồm: CT5 Tân Triều; VP6 Linh Đàm; HH1, HH2, HH3, HH4 thuộc ô CC6 khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm; CT6 Kiến Hưng, VP5 Linh Đàm và VP3 Linh Đàm.
Cơ quan thanh tra kết luận: 9 dự án đều có nhiều vi phạm nghiêm trọng luật Đầu tư, Luật Đất đai, luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, luật Quản lý thuế”.
Cụ thể, đối chiếu quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì 9/9 dự án có tình trạng vi phạm quy hoạch nghiêm trọng như: tăng chiều cao công trình; tăng diện tích xây dựng khối đế, khối tháp, tầng hầm; chuyển đổi mục đích sử dụng từ văn phòng, dịch vụ thương mại thành căn hộ ở; xây dựng tăng số lượng căn hộ với số lượng lớn, có dự án tăng gấp 6 lần số căn hộ được phê duyệt.
Như, dự án VP3 Linh Đàm tăng chiều cao từ 29 lên 32 tầng, xây tăng số lượng căn hộ từ 192 đến 451 căn, vượt 259 căn so với quy hoạch. Dự án VP5 Linh Đàm cũng tăng chiều cao từ 29 lên 33 tầng, xây tăng số lượng căn hộ từ 216 lên 805 căn. Dự án VP6 Linh Đàm tăng chiều cao từ 25 lên 37 tầng, xây tăng số lượng căn hộ từ 138 lên 840 căn, vượt 702 căn.
Các tòa HH3, HH1 được phê duyệt mỗi tòa 816 căn hộ, Mường Thanh xây lên mỗi tòa 2.000 căn hộ. Tổng số căn hộ tại 12 tòa nhà là hơn 8.896 căn với dân số khoảng 26.688 người, vượt gấp 4 lần quy mô dân số được duyệt là 6.300 người.
Với diện tích đất chỉ có 42.260 m2, các tòa HH đã có dân số bằng cả phường Hoàng Liệt, phá vỡ các chỉ tiêu quy hoạch, gây quá tải về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, trường học, nhà trẻ tại khu vực.
Dự án CT5 Tân Triều cũng xây vượt từ 492 lên 846 căn hộ, vượt 354 căn; CT6 Kiến Hưng tăng diện tích thêm hàng ngàn mét, khối nhà cao tầng xây từ 231 căn hộ lên 1.602 căn, vượt 1.371 căn so với quy hoạch. Khu nhà thấp tầng quy hoạch được duyệt 15 căn nhà liền kề cao 3 tầng, Mường Thanh đã xây thành 38 căn liền kề cao 4 tầng. Đáng chú ý hơn, toàn bộ diện tích 718,8 m2 quy hoạch xây dựng nhà trẻ ở khu vực này đã bị chủ đầu tư chuyển đổi thành các căn hộ thấp tầng.
Ngoài xây vượt tầng, theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư cũng đã vi phạm về giao dịch kinh doanh bất động sản, không công khai thông tin về bất động sản giao dịch, mở bán 11.439 căn hộ với tổng doanh thu kê khai đến tháng 5/2016 là hơn 5.074 tỷ đồng, nhưng chưa kê khai, nộp thuế đầy đủ với nhà nước. Chủ đầu tư huy động vốn và ký hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng vi phạm luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Kết luận thanh tra cũng chỉ ra rằng, với thủ tục của các dự án chưa đầy đủ cơ sở pháp lý theo quy định của pháp luật, nên hợp đồng mua bán các sản phẩm bất động sản giữa doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên với khách hàng không đủ cơ sở pháp lý, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân khi mua bất động sản cũng như làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tại thời điểm thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số hộ dân, nhưng Thanh tra thành phố kết luận việc cấp này là chưa đúng hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (năm 2013).
“Đối với 9 dự án đều có tình trạng tự chuyển đổi chủ đầu tư, chuyển nhượng dự án chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về đất đai, dự án xây dựng sai quy hoạch, chuyển công năng sử dụng thành nhà ở. Đơn vị nhận chuyển nhượng là doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên trực tiếp xây dựng và kinh doanh bán các sản phẩm bất động sản khi chưa được thành phố cho phép. Do đó, các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên với khách hàng chưa đủ cơ sở pháp lý”, cơ quan thanh tra kết luận.
Theo Văn bản 327/2013 của Văn phòng Chính phủ, Sở Tài nguyên và Môi trường phải báo cáo UBND thành phố đề xuất thanh tra kết luận về sai phạm của dự án trước khi xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng Sở này đã cấp giấy chứng nhận cho người dân trong đó có cả những phần diện tích vi phạm quy hoạch là chưa đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do đó, Thanh tra Hà Nội đã kiến nghị tạm dừng cấp sổ đỏ cho người dân tại các dự án nói trên.
Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vừa qua, đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 cũng chỉ ra tổ hợp công trình dịch vụ, thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng tại ô HH1, HH2, HH3 và HH4 lô CC6 Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm, điều chỉnh chỉ tiêu mật độ xây dựng từ 24,6% lên gần 40%…
Vneconom